Lựa chọn tạm ngừng kinh doanh hay giải thể doanh nghiệp
Nên làm thủ tục tạm ngừng kinh doanh cho doanh nghiệp hay giải thể doanh nghiệp? Đây là điều mà các chủ doanh nghiệp vẫn luôn đặt ra khi công ty kinh doanh khó khăn. Hiểu được điều đó, Văn phòng Luật sư An Đức xin đưa ra phân tích các quy định của pháp luật về tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp và giải thể doanh nghiệp để quý khách hàng có thể đưa ra quyết định đúng đắn nhất.
- Khái niệm
“Tạm ngừng kinh doanh” tức là doanh nghiệp chỉ tạm dừng một thời hạn nhất định sau đó sẽ quyết định tiếp tục kinh doanh hoặc ngừng hẳn luôn (giải thể).
“Giải thể” tức là doanh nghiệp ngừng hoạt động luôn, không tồn tại nữa. Do đó nếu một thời gian sau này chủ doanh nghiệp muốn tiếp tục kinh doanh sẽ phải thành lập một công ty khác.
- Thủ tục tạm ngừng kinh doanh
Khoản 2, Điều 57, Nghị định 78/2015/NĐ-CP đã quy định: Thời hạn tạm ngừng của doanh nghiệp là 1 năm, tối đa doanh nghiệp chỉ được tạm ngừng 02 năm liên tiếp. Trong thời hạn ngừng hoạt động, doanh nghiệp vẫn có thể hoạt động trở lại bất kỳ lúc nào chỉ cần tuân thủ quy định về việc thông báo xin hoạt động trở lại.
Khi tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp chỉ cần thực hiện thủ tục thông báo việc tạm ngừng kinh doanh với sở kế hoạch đầu tư. Việc thông báo này phải được thực hiện chậm nhất 15 ngày trước khi doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh.
Khoản 3, Điều 200, Luật doanh nghiệp năm 2014 quy đinh:
Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế còn nợ; tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp, chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận khác.
Như vậy việc nộp thuế, thanh toán các khoản nợ… doanh nghiệp có thể thực hiện trong thời gian mình đang tạm ngừng kinh doanh mà không bắt buộc phải thực hiện xong hết trước khi gửi thông báo tạm ngừng kinh doanh đến sở kế hoạch đầu tư.
- Thủ tục giải thể doanh nghiệp:
Do giải thể doanh nghiệp là doanh nghiệp sẽ chấm dứt hoàn toàn nên thủ tục thực hiện sẽ phức tạp hơn. Doanh nghiệp chỉ có thể thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp khi đã thực hiện xong các nghĩa vụ về thuế, tiền lương cho người lao động, bảo hiểm xã hội, …vì vậy giải thể doanh nghiệp sẽ phải trải qua 04 bước cơ bản sau:
- Bước 1: Đăng công bố thông tin giải thể doanh nghiệp
- Bước 2: Xin đóng mã số thuế tại cơ quan thuế.
- Bước 3: Trả con dấu cho cơ quan công an hoặc thực hiện hủy con dấu dấu của công ty
- Bước 4: Nộp hồ sơ giải thể doanh nghiệp tại Phòng đăng ký kinh doanh.
Với quy trình giải thể như trên, thời gian giải quyết để giải thể doanh nghiệp có thể từ 2 – 3 tháng.
Trên đây là phân tích của chúng tôi về việc tạm ngừng kinh doanh và giải thể doanh nghiệp, hy vọng sẽ giúp chủ doanh nghiệp đưa ra quyết định phù hợp với mục đích kinh doanh của mình.